Cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm thế nào?

Virus cúm gia cầm H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã, có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong là 60%.

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm ở các loài chim, do virus cúm tuýp A gây ra. Căn bệnh được xác định lần đầu ở Italy hơn 100 năm trước và lây lan toàn thế giới. Virus cúm gia cầm chủ yếu tồn tại ở các loài chim di cư, chim hoang dã sống dưới nước, có thể lây nhiễm cho gia cầm cũng như các loại động vật khác.

Virus cúm gia cầm được phân thành hai loại: virus độc lực thấp (LPAI) và virus độc lực cao (HPAI). Cúm gia cầm độc lực thấp không gây triệu chứng, hoặc để lại triệu chứng nhẹ ở gà, gia cầm, chẳng hạn xù lông và giảm sản lượng trứng. Virus độc lực cao gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao ở các gia cầm mắc bệnh.

Một trong những chủng cúm gia cầm phổ biến là H5N1, với tỷ lệ tử vong là khoảng 60%.

Cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm thế nào?

H5N1 thường không lây nhiễm từ động vật sang người. Tuy nhiên, thế giới vẫn ghi nhận các đợt dịch lẻ tẻ. Kể từ tháng 12/2003, 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam thông báo đợt bùng phát virus H5N1 có độc lực cao ở gia cầm. Trong đợt dịch, khoảng 150 triệu con gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng báo cáo 117 trường hợp nhiễm H5N1 ở người, tại 4 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Campuchia. 60 bệnh nhân đã tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, chim nhiễm bệnh thải virus qua nước bọt, chất nhầy và phân. Virus tồn tại trong khí dung hoặc bụi khí, sau đó xâm nhập vào mắt, mũi, miệng của con người. H5N1 cũng có thể lây nhiễm khi một người chạm vào bề mặt vật thể mang virus và đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Hầu hết ca nhiễm xảy ra khi con người tiếp xúc gần, kéo dài với gia cầm mắc bệnh mà không đeo găng tay, khẩu trang bảo vệ. Nhìn chung, nguy cơ lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc, cụ thể là khoảng cách và thời gian tiếp xúc.

Khả năng lây truyền virus từ người sang người rất thấp. Năm 2004, một số nhà khoa học Thái Lan báo cáo bằng chứng về khả năng lây nhiễm virus H5N1 từ người sang người trong một gia đình. Các thành viên tiếp xúc lâu, rất gần với một trẻ nhiễm bệnh.

Đến năm 2005, Indonesia ghi nhận ba cụm nhiễm H5N1. Giới chức cho biết họ “không loại trừ khả năng” virus đã lây lan hạn chế, không bền vững từ người sang người.

Tháng 12/2007, Trung Quốc đặt giả thuyết virus H5N1 lây lan giữa một người đàn ông và cha của anh do tiếp xúc trong thời gian dài.

Dù vậy, WHO và các tổ chức y tế trên thế giới chưa chính thức xác nhận khả năng lây truyền H5N1 từ người sang người.

Các triệu chứng nhiễm H5N1 ở người gồm sốt cao trên 38 độ C, khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Một số bệnh nhân có thể bị đau bụng, tức ngực và tiêu chảy. Nhiễm virus ban đầu có thể tiến triển nhanh chóng thành bệnh hô hấp nghiêm trọng, với các biểu hiện như khó thở, thở gấp, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính. Người bệnh cũng gặp các thay đổi về thần kinh, chẳng hạn co giật.

Theo WHO, người bệnh cần được điều trị kịp thời tại các bệnh viện, một số người cần chăm sóc chuyên sâu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus oseltamivir, giúp giảm mức độ nghiêm trọng, ngăn ngừa tử vong.

Phân biệt triệu chứng cúm A với cúm thường, cảm lạnh, Covid.
Phân biệt triệu chứng cúm A với cúm thường, cảm lạnh, Covid.

Để phòng ngừa lây nhiễm, CDC khuyến nghị mọi người tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài chim hoang dã, chỉ quan sát từ xa bởi chúng có thể nhiễm virus dù không có biểu hiện. Cơ quan cũng cảnh báo không tiếp xúc với gia cầm đã chết hoặc trông ốm yếu, có các biểu hiện như xù lông và giảm sản lượng trứng.

Người có tiếp xúc với gia cầm, chim hoang dã do công việc cần nhận thức được nguy cơ mắc bệnh, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Các nhóm dễ phơi nhiễm virus gồm công nhân tại trung tâm phục hồi chức năng cho chim, nhân viên khu bảo tồn chim và động vật khác, nhân viên ứng phó với các đợt bùng phát cúm gia cầm.

Khi thực hiện công việc xử lý gia cầm bị bệnh, CDC khuyến nghị sử dụng thiết bị bảo hộ như găng tay, khẩu trang N95 nếu có hoặc khẩu trang vừa vặn, kính bảo vệ mắt. Người dân tránh chạm tay vào miệng, mũi hoặc mắt sau khi tiếp xúc với chim hoặc các bề mặt có thể bị nhiễm nước bọt, chất nhầy, phân chim. Sau khi xử lý, người dân cần rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, thay quần áo.

Hiện chưa có vaccine ngăn ngừa cúm H5N1. Song các nhà khoa học đang trong quá trình phát triển một số ứng viên tiềm năng.

Theo VnExpress

Để lại một bình luận

//Chuyển hướng url khi submit contact form 7