Ho có đờm và cách xử trí từ chuyên gia

Ho có đờm là một trong những hiện tượng ho phổ biến nhất, đi kèm với dịch nhầy được xuất ra ở mũi, miệng. Không ít mẹ thắc mắc cả ngày con chẳng ho, nhưng cứ đêm đến là khục khặc trong họng không ngớt từng cơn. Ấy là bởi khi đêm xuống, bé nằm ngủ nên dịch nhầy bị tích tụ ở phía sau cổ họng gây kích thích ho.

Ho có đờm và cách xử trí từ chuyên gia

Dấu hiệu rõ rệt nhất mẹ có thể theo dõi là màu sắc của dịch đờm khi con hắt hơi hoặc khạc nhổ ra ngoài. Màu sắc của dịch đờm như màu trắng, màu xanh, màu vàng, gỉ sét hoặc có lẫn máu sẽ thay “chuông báo động” giúp mẹ nhận biết tình trạng bệnh của con. Ho có đờm là “người nhà” của các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm amidan, viêm xoang, lao phổi… Mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.

Cúm mùa

Cúm mùa là “người bạn” bất đắc dĩ mà bé hay bất cứ thành viên nào trong gia đình thường gặp mỗi khi giao mùa, đặc biệt là mùa đông. “Người bạn” này có khi chả năm nào giống năm nào với các chủng virus khác nhau. Không những thế, cúm mùa còn hay bị nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường nên nhiều mẹ chủ quan. Theo bác sĩ Tuấn Như: “Triệu chứng điển hình của nhiễm cúm bắt đầu bằng những triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, cùng các triệu chứng viêm long đường hô hấp như nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho khan hoặc có đờm”

Với những trường hợp cúm nhẹ, cha mẹ có thể tự chăm sóc cho con ở nhà cho đến khi khỏi bệnh. Bé nên được mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng và thấm hút mồ hôi. Việc sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt mũi miệng cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cao sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và dễ nuốt để bé bớt khó chịu.

Bác sĩ Như cho biết: “Nếu bệnh chuyển nặng và bé xuất hiện một trong các biểu hiện sau đây, cha mẹ cần ngay lập tức đưa con đi gặp bác sĩ để điều trị kịp thời: bé sốt cao trên trên 38,5oC liên tục trên 3 ngày, bé dùng thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt, bé bỏ ăn, bỏ uống hoặc nôn trong nhiều ngày.”

Viêm mũi xoang

Chắc mẹ chẳng còn xa lạ với viêm mũi xoang – bệnh lý Tai mũi họng phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện có tới 40% dân số Việt Nam mắc viêm mũi xoang này, và các bé trong độ tuổi 4-6 tuổi cũng không ngoại lệ đâu các mẹ ạ. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm mũi xoang có thể gây cho bé yêu nhiều bất tiện trong cuộc sống, cũng như những biến chứng nghiêm trọng đến các khu vực liên quan như mắt, mí mắt.

Những triệu chứng điển hình của viêm mũi xoang gồm ho khan hoặc ho có đờm, có thể ho dữ dội hơn về đêm. Nguyên nhân là do nước mũi có màu vàng, xanh chảy xuống họng gây đau họng, ho thậm chí nôn ọe. Bác sĩ Như lưu ý rằng: “Sốt cao trên 39 độ có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu phụ thuộc vào biến chứng liên quan và giảm dần trong 2 ngày. Ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm mũi xoang thường đi kèm với viêm tai giữa. Ở trẻ trên 6 tuổi thì luôn luôn thường có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi khó chịu, chảy đàm mũi liên tục, phù nề quanh mắt.”

Để giúp bé giảm khó chịu, cha mẹ có thể giúp bé rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý hoặc uống thuốc hạ sốt như acetaminophen khi sốt trên 38,5 ºC. Bác sĩ Như nhắc cha mẹ theo dõi: “Nếu hơn 7 ngày mà tình trạng viêm mũi của bé không thuyên giảm kèm dịch mũi màu vàng hoặc xanh, sốt cao hơn 39 độ trong 3,4 ngày liên tục thì bé nên được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức.”

Viêm họng cấp

Viêm họng cấp là bệnh lý trẻ thường mắc phải vàoời thời điểm mùa đông hoặc đầu mùa xuân khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh chóng sau vài ngày. Nhưng tin vui dành cho mẹ là nếu phát hiện sớm, bệnh có thể dễ dàng được kiểm soát.

Sốt vừa đến cao là một trong những triệu chứng toàn thân xuất hiện đầu tiên ở bé. Kèm theo đó là những cơn ho kích thích kèm chảy nước mũi có thể khiến bé khó chịu, thậm chí khàn giọng. Bố mẹ có thể dỗ trẻ há miệng để kiểm tra sẽ thấy họng của bé phù nề đỏ rực, đôi khi gai lưỡi cũng viêm đỏ amiđan của bé. Nếu amiđan sưng to, sung huyết, hay có những chấm mủ trắng, bựa trắng phủ trên bề mặt thì có thể trẻ đã bị mắc viêm họng cấp.

Do họng sưng đau gây khó chịu, trẻ có thể kém ăn hay bỏ ăn. Cha mẹ có thể nấu những món ăn dễ nuốt như cháo hoặc súp để con cảm thấy dễ chịu hơn. Trẻ cũng nên được bổ sung đủ các đồ uống ấm đa dạng khác nhau. Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C sẽ giúp nâng cao thể trạng cho bé, đặc biệt trong giai đoạn bị ốm. Để làm dịu họng đau rát, cha mẹ có thể cho bé sử dụng các loại siro như Prospan, mật ong, kẹo ngọt. Đối với trẻ em lớn hơn từ 6 đến 8 tuổi, cha mẹ nên khuyến khích con súc miệng bằng nước muối ấm để làm sạch họng.

Bác sĩ Như nhấn mạnh: “Khi thấy trẻ sốt cao trên 38,3°C liên tục trong 3 ngày, sưng cổ, khó nuốt hoặc khó thở, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức.”

Viêm V.A cấp

Viêm V.A cấp là một bệnh nhiều trẻ mắc phải với mức độ ít nguy hiểm. Trẻ càng lớn thì mức độ tiến triển bệnh càng giảm. Mặc dù vậy, cha mẹ cũng đừng nên chủ quan nhé.

Qua cách bé thở, cha mẹ có thể nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh này. Đối với trẻ nhỏsơ sinh, nhịp thở chuyển nhanh, nhịp không đều; bé chuyển sang thở miệng hoặc bỏ ăn, bỏ bú. Bác sĩ Như chia sẻ thêm: “Thở ngáy, tiếng nói có giọng mũi kín là dấu hiệu bệnh ở trẻ lớn hơn. Một vài trường hợp, trẻ sơ sinh có thể bị sốt cao 40oC – 41oC kèm theo phản ứng dữ dội như: co thắt thanh môn, co giật. Các bé lớn hơn có thể bị đột ngột sốt cao, kèm theo co thắt thanh quản, đau tai.v.v ”

Khi điều trị tại nhà, cha mẹ nên chú ý tới việc vệ sinh mũi họng, răng miệng để phòng tránh lây lan. Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại thuốc bổ không bao giờ là thừa đâu mẹ ạ. Bé cũng cần được chú ý mặc đủ quần áo ấm khi trời lạnh, mẹ đừng quên nhé!

Viêm amidan cấp

Nói không ngoa, viêm amiđan chính là nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ. Thời tiết thay đổi đột ngột, ô nhiễm môi trường bên ngoài hay sức đề kháng yếu ớt bên trong đều có thể khiến bé yêu mỏi mệt với căn bệnh viêm amiđan cấp.

Cảm giác khô, rát, nóng trong họng khiến bé khó chịu một phần thì khiến mẹ xót lòng mười phần. Chưa kể, toàn thân bé còn có thể đột ngột rét run lẩy bẩy trước khi những cơn sốt 38oC-39oC bắt đầu xuất hiện.

Phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả hơn chữa bệnh. Môi trường sống sạch sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Sự kết hợp giữa một chế độ ăn uống hợp lý cùng việc luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bé nâng cao sức đề kháng để nói “không” với căn bệnh này. Trường hợp xấu nhất, bé có thể bị bác sĩ phải chỉ định cắt amiđan cho bé nhưng mẹ cũng đừng có lo nhé. Sau cCắt amiđan bé thường hồi phục rất nhạnh,chỉ là một tiểu phẫu đơn giản nên bétrẻ có thể nói chuyện bình thường sau khi cắt. Bác sĩ Như căn dặn: “Mẹ chỉ cần chú ý cho con ăn thức ăn lỏng, nguội, mềm trong 10 đến 15 ngày tùy vết thương lành nhanh hay chậm.”

Viêm thanh quản cấp

Nếu “ca sĩ tại gia” bỗng hóa chú vịt khàn khàn, rất có thể bé đã bị mắc bệnh viêm thanh quản cấp. Đây là bệnh lý trẻ nhỏ 1-3 tuổi dễ mắc khi thời tiết chuyển lạnh, khi trẻ tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp trên hay đơn giản do bé nghịch ngợm gào hét quá lớn. Bác sĩ Như lưu ý: “Tiếng ho có thể trở nên cứng và ông ổng, giọng nói gần như bình thường nhưng sau đó trở nên trầm và cứng hơn. Vào một số trường hợp, trẻ có thể bị sốt, cảm thấy gai người hoặc ớn lạnh.”

Trong trường hợp viêm thanh quản không kèm khó thở, bệnh có thể được điều trị tại nhà. Điều quan trọng là cha mẹ cần cho bé uống đủ nước, làm ẩm không khí trong phòng, tránh không khí lạnh và hạn chế nói. Các loại siro như Prospan, mật ong, kẹo ngọt có thể giúp dịu họng và khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Bác sĩ Như nhắn cha mẹ đừng quên: “Đưa trẻ đi khám bác sỹ ngay nếu trẻ có các biểu hiện khó thở, đau và các triệu chứng khác ngày càng nặng hơn hoặc viêm thanh quản kéo dài hơn 2 tuần.” 

Viêm phế quản cấp tính

Khi dịch mũi của bé chuyển màu xanh, da tím tái xanh xao, kèm theo cơn ho khan hoặc ho có đờm, rất có thể căn bệnh viêm phế quản cấp tính đã “ghé thăm” bé mất rồi. Bác sĩ Như chia sẻ: “Viêm phế quản cấp có thể tự khỏi trong vòng 1-3 tuần. Nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng lúc, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.”

Những cơn ho, thậm chí sốt cao khiến bé chẳng muốn chơi, muốn cười như mọi khi. Bởi thế, bé sẽ cảm ơn mẹ nhiều lắm khi mẹ cho bé uống đủ nước và dùng máy tạo độ ẩm không khí trong phòng đấy. Mẹ cũng đừng quên vệ sinh mũi cho bé với nước muối sinh lý và giảm ho với siro Prospan, mật ong hay kẹo ngậm, mẹ nhé. 

Bác sĩ Như nhắn nhủ: “Trường hợp bệnh tình của bé chuyển nặng, mẹ nên cho bé đi khám nếu có các triệu chứng như: khó thở, tím tái, sốt từ 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc co giật; ho kéo dài không ngừng hoặc ngủ li bì, bỏ bú.” 

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản – căn bệnh nghe tên thì có vẻ nhỏ bé nhưng lại rất là nguy hiểm với bé đó, mẹ à. Đây là bệnh lý viêm cấp tính do siêu vi của các phế quản cỡ nhỏ và trung bình, đồng thời là nguyên nhân nhập viện chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Bác sĩ Như cho hay: “Những dấu hiệu ban đầu của bệnh như sổ mũi, ho khan hay sốt nhẹ có thể khiến cha mẹ đứng ngồi không yên. Đặc biệt, khi bệnh diễn biến nặng hơn, bé có thể thở nhanh, thở khò khè, co lõm ngực hay bị ho dai dẳng kéo dài hơn 14 ngày cùng dấu hiệu mất nước.”

Đáng mừng là, trong hầu hết trường hợp, trẻ có thể được điều trị tại nhà với các loại thuốc do bác sĩ kê đơn. Cha mẹ có thể hỗ trợ giúp bé thông thoáng mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Các bữa ăn, sữa nên được chia ra thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ hấp thu và hạn chế nôn ọe. Cha mẹ nên chọn thuốc giảm ho an toàn không chứa antihistamine như siro giảm ho Prospan để làm dịu cơn ho cho bé và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.

Viêm phổi

Viêm phổi là căn bệnh mà mới chỉ nghe tên thôi đã khiến mẹ giật thon thót. Không lo sao được khi nghe những cơn ho dai dẳng đến lõm lồng ngực, thậm chí cả những cơn co giật của bé trong giấc ngủ li bì mà mẹ không đánh thức nổi.

Bởi viêm phổi là một bệnh lý nguy hiểm, mẹ hãy theo dõi và chăm sóc bé thật sát sao, mẹ nhé. Viêm phổi có 3 cấp độ: viêm phổi, viêm phổi nặng và viêm phổi rất nặng. Trong trường hợp nhẹ, bé được chẩn đoán không bị mắc viêm phổi nặng hoặc rất nặng thì cha mẹ có thể điều trị kháng sinh cho bé tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Bé nên được khuyến khích uống nhiều nước hoặc tăng cường bú mẹ. Khi bị sốt trên 38,5 độ, mẹ có thể chườm ấm và cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần chú ý lưu tâm, thuốc ức chế ho “lợi bất cập hại”, chẳng nhưng không có tác dụng mà còn ẩn chứa tác dụng phụ nghiêm trọng. Các loại siro ho, mật ong hay kẹo ngậm ho có thể giúp bé dịu cơn ho một cách an toàn hơn.

Bác sĩ Như nhắn cha mẹ lưu ý: “Với tất cả các trường hợp viêm phổi nặng, và rất nặng mang dấu hiệu: thở co lõm lồng ngực, tím tái mặt mũi, suy hô hấp nặng, trẻ cần được đến ngay bệnh viện, phòng khám gần nhất.” 

Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi nguy hiểm ở chỗ bệnh có thể có hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Những triệu chứng phổ biến của bệnh là sốt cao hơn 39 độ, ho khan ở thời điểm ban đầu rồi chuyển sang ho có đờm khi tràn dịch vào màng phổi, cơn ho tăng dần khi vận động mạnh hoặc trở mình. Dấu hiệu khác biệt với các bệnh lý khác là cảm giác đau âm ỉ ngực ở bên tràn dịch, hoặc đau bụng trong viêm thùy dưới.

Khi thấy bé yêu có những dấu hiệu như khó thở, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực dữ dội, sốt cao trên 39 oC, cha mẹ không nên chậm trễ, đưa con đến khám bác sĩ ngay.

Bác sĩ Như nhấn mạnh: “Tràn dịch màng phổi là tình trạng bệnh lý nặng nên phải điều trị và theo dõi tại viện. Sau điều trị, cha mẹ cũng không nên lơ là, mà nên theo dõi sát sao và cho trẻ tái khám 24-48 giờ sau khi xuất viện, tái khám mỗi tuần một lần trong tháng đầu tiên để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ.” 

Tràn mủ màng phổi 

Mặc dù hiếm gặp, tràn mủ màng phổi lại có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể bé đó, mẹ à.

Bệnh có thể khởi phát với một cơn sốt cao đột ngột, cảm giác khó thở và đau âm ỉ ngực ở bên tổn thương. Tiếng ho khan hoặc ho có đờm mủ có thể là những dấu hiệu cho bệnh lý này. Những trẻ từng có tiền sử bệnh lý về viêm phổi, viêm cơ, nhiễm trùng da sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh này hơn.

Bởi đây là tình trạng bệnh lý nặng, bác sĩ Như lưu ý: “Cha mẹ không nên tự điều trị cho con tại nhà. Ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu như khó thở, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực dữ dội, sốt cao trên 39 oC, cha mẹ nên đưa con nhập viện để các bác sĩ điều trị và theo dõi kĩ lưỡng. Thông thường, nếu diễn tiến tốt, bé yêu có thể được xuất viện sau 3 tuần lễ. Cha mẹ nên lưu ý đến lịch tái khám 2 tuần 1 lần, liên tục trong thời gian 2 tháng sau khi xuất viện, hoặc tái khám sớm hơn nếu bé có biểu hiện bất thường.” 

Áp-xe phổi

Nếu một hài nhi đang nằm trong vòng tay mẹ khi mẹ đọc những dòng này thì mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi áp-xe phổi là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy vậy bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.

Triệu chứng rõ rệt nhất để phân biệt với các bệnh lý khác là tình trạng ho nhiều, thậm chí khạc ra đàm lẫn mủ hoặc lẫn máu ở giai đoạn toàn phát. Đây cũng là bệnh lý cần được nhập viện điều trị và theo dõi sát sao bởi các y bác sĩ. Bác sĩ Như nhắc cha mẹ theo dõi: “Khi thấy bé yêu có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, tím tái, đau ngực dữ dội, đặc biệt ho khạc đờm lẫn máu, cha mẹ nên đưa con đi vào viện càng sớm càng tốt. Ngay cả sau khi xuất viện, cha mẹ cũng không nên chủ quan, thay vào đó nên đưa trẻ đi tái khám tái khám 2 tuần 1 lần trong tháng đầu, và 1 tháng 1 lần trong 3 tháng tiếp theo sau khi xuất viện.”

*Thông tin khoa học sử dụng trong bài được tư vấn bởi bác sĩ BS.CKII Tai Mũi Họng Nguyễn Tuấn Như

Để lại một bình luận

//Chuyển hướng url khi submit contact form 7